Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

12 phát hiện về đình công từ nghiên cứu của ILO năm 2011



Năm 2011, Dự án QHLĐ của ILO Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nhân-công đoàn (Tổng LĐLĐVN) và Trung tâm hỗ trợ phát triển QHLĐ (Bộ LĐTBXH) thực hiện 1 nghiên cứu về xu hướng đình công tại 5 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Tp. HCM, Đồng Nai và Bình Dương) trong năm 2010 và Quý 1/2011. Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 14 phát hiện chính như sau:  

1. Gần 75% các cuộc đình công xảy ra tại tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam (tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương). Nhưng đình công ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh thành phố hơn và lan rộng từ miền Nam ra miền Bắc. Các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương đều có số các cuộc đình công tăng so với trước năm 2008. 

2. Gần 80% các cuộc đình công xảy ra trong khu vực FDI, gần 20% xảy ra trong khu vực dân doanh và đình công trong khu vực DNNN gần mốc 0%.

3. Các DN Hàn Quốc và Đài Loan vẫn dẫn đầu nhóm các DN FDI bị đình công nhiều nhất (chiếm gần 70% đình công trong khu vực FDI). Nhưng các DN Nhật Bản và Trung Quốc cũng là những nhóm DN có nhiều đình công xảy ra. DN Nhật chấp hành pháp luật tốt nhưng không linh hoạt trong giải quyết yêu sách của NLĐ và có tính cộng đồng cao. Ngược lại với các DN Nhật Bản, các DN Trung Quốc rất linh hoạt trong việc đáp ứng yêu sách của NLĐ nhưng việc chấp hành luật pháp chưa tốt và đặc biệt không đầu tư các giải pháp lâu dài để ổn định QHLĐ một cách bền vững. Trong tương lai, nếu số DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam tăng lên thì khả năng cao là số đình công trong nhóm DN này cũng tiếp tục tăng. 


4. Ngành dệt may và chế biến gỗ là 2 ngành có tỉ lệ đình công cao nhất năm 2010. Cụ thể, ngành dệt may chiếm tới 28% số cuộc đình công còn ngành chế biến gỗ là 16.98%. Trong khi giày da và điện tử chỉ chiếm lần lượt 9% và 8%. 

5. Yêu sách về quyền chỉ xuất hiện trong 6.2% các cuộc đình công năm 2010 và Q1/2011 của 5 tỉnh khảo sát. Lương vẫn là yêu sách quan trọng nhất của NLĐ. Cụ thể: yêu sách tăng lương cơ bản xuất hiện trong 79.1% cuộc đình công năm 2010-Q1/2011. Tiếp theo là các yêu sách liên quan tới lương như phụ cấp (34.9%) và ăn ca (15.3%), thời giờ làm việc và nghỉ ngơi (13%), chế độ thưởng Tết (10.9%) và điều kiện làm việc (4.8%). Như vậy, so với số liệu năm 2008, tỉ lệ các yêu sách đình công liên quan tới lương, thưởng, phụ cấp-trợ cấp tăng từ 64% lên gần 80%.

6. Trong năm 2010 và Q1/2011, có tới 90% các cuộc đình công kết thúc với sự đáp ứng toàn bộ các yêu sách của NLĐ. Chỉ có 8% các cuộc đình công kết thúc mà NLĐ ko đạt được yêu sách nào. Rõ ràng, đình công vẫn là một công cụ hữu hiệu đối với NLĐ để tăng quyền lợi

7.  Hiện tượng ‘làn sóng đình công’. Đình công thường nổ ra trước tiên ở nhóm nhỏ doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trong KCN. Sau khi NLĐ được tăng lương và điều kiện làm việc thì các DN khác trong KCN hoặc ở khu vực lân cận cũng đình công với yêu sách tương tự. 

 8. 70.99% số đình công năm 2010 xảy ra tại các DN đã có công đoàn cơ sở.

9. 54% các cuộc đình công xảy ra 1 ngày hoặc ngắn hơn, cho thấy đa số các cuộc đình công không phức tạp mà dễ giải quyết. Có 37% cuộc đình công kết thúc trong thời gian 5 ngày trở xuống. Tuy nhiên vẫn có 9% các cuộc đình công kéo dài trên 5 ngày.

10. Cứ 1000 lao động trong các DN có đình công của Bình Dương mất đi 3258 ngày làm việc trong năm 2010. Trong khi đó, Đồng Nai có số cuộc đình công năm 2010 rất cao nhưng tác động tới việc làm của NLĐ tại các DN có đình công chỉ bằng ½ của Bình Dương là 1510 ngày/1000 lao động. Tới Q1/2011, Hải Phòng lại dẫn đầu về tác động của đình công tới thời gian làm việc của NLĐ. Cứ 1000 NLĐ tại các DN có đình công của Hải Phòng đã mất 4239 ngày làm việc trong 4 tháng đầu năm 2011. 

11. Bình Dương là tỉnh có tỉ lệ NLĐ tham gia đình công trên tổng số lao động trong DN cao nhất năm 2010, tới 95.9% còn Hải Phòng có tỉ lệ thấp nhất, chỉ 28.1%.

12. Đình công đa số xảy ra ở các DN quy mô nhỏ và vừa (từ 300-1000 lao động) 

Báo cáo chi tiết (bản cứng) có cả tiếng Anh và tiếng Việt.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét