Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Giới thiệu về Tủ sách Quan hệ lao động


Năm 2008 khi tôi chuẩn bị đi học về Quan hệ lao động ở Australia, tôi cố gắng đi tìm sách về ngành này ở Việt Nam để ít nhất là chuẩn bị cho mình một chút kiến thức cơ bản trước khi ‘tầm sư học đạo’ nơi xứ người. Nhưng kết quả là không có cuốn sách nào về QHLĐ bằng tiếng Anh chứ đừng nói là tiếng Việt ở các thư viện tại Hà Nội. Tôi cầu cứu internet nhưng trên đó là rất rất nhiều tài liệu ‘thượng vàng hạ cám’ mà một người chân ướt chân ráo vào nghề như tôi bị rối tung không biết bắt đầu từ đâu. Cho đến khi sang Sydney học tập, điều đầu tiên tôi làm là mua dần những quyển sách có thể coi là giáo khoa về QHLĐ để đọc dần. Thực sự những quyển sách đó là những người thầy tuyệt vời nhất, không chỉ hệ thống cho tôi những kiến thức cơ bản mà còn giúp giải đáp cặn kẽ rất nhiều những thắc mắc bấy lâu. Sau đó tôi tiếp cận với kho journals (tạp chí chuyên ngành) qua cổng điện tử của trường đại học. Đây là kênh nhanh nhất để những người làm nghiên cứu tiếp cận với các công trình và phát hiện mới nhất trong ngành mình trên khắp thế giới. Rất tiếc ở Việt Nam các trường đại học rất ít nơi có được khả năng tiếp cận các journals này vì chi phí hàng tháng quá đắt đỏ.

Trở về Việt Nam, tôi thường xuyên nhận được emails của nhiều bạn trẻ, sinh viên cũng có, nghiên cứu viên cũng có, thậm chí là giảng viên các trường đại học có ít nhiều liên quan tới QHLĐ hỏi mượn các tài liệu của chuyên ngành này. Tuy nhiên, với những người chưa có kiến thức cơ bản về QHLĐ thì sẽ rất khó đọc và hiểu nếu chỉ tiếp cận một hai tài liệu nhất định. Trong khi đó tài nguyên về QHLĐ ở Việt Nam vẫn còn quá ít ỏi, rải rác và khó tiếp cận. Tất cả những lý do đó thôi thúc tôi xây dựng một thư viện điện tử về QHLĐ dựa trên chính những tài liệu mà tôi đã tích cóp bấy lâu nay. Mong muốn lớn nhất của tôi là ngày càng có nhiều người tiếp cận được với các tài liệu này để hiểu sâu và bài bản hơn về QHLĐ ở Việt Nam cũng như thế giới nhằm mở rộng một ngành mà tôi cho là có vai trò căn bản cho phát triển kinh tế và xã hội của bất kỳ quốc gia nào.

Vì đây là các tài liệu cá nhân nên rất mong các bạn trân trọng giữ gìn sách để nhiều người khác cũng được sử dụng. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều cá nhân và tổ chức góp chung vào nỗ lực này nhằm mở rộng kho tài nguyên về QHLĐ tại Việt Nam.

Đỗ Quỳnh Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét